Duy Phạm – Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia – Bộ Khoa Học Và Công Nghệ
“Go big or go home” được dùng làm khẩu hiệu cho khá nhiều công ty lớn cũng như các startup; nhưng theo tôi cần có 1 góc nhìn khác hơn để có thể áp dụng thành công thay vì một số quan điểm về việc chỉ phát triển thị trường (scale-up).
Thật đáng buồn nhưng trong câu chuyện mở rộng quy mô, chúng ta thấy được khá nhiều bài học xương máu ví dụ như Lido – một startup khá có tiếng trong lĩnh vực công nghệ giáo dục với doanh thu hơn $1.5M trong năm 2021 đã phải tuyên bố đóng cửa sau khi tiêu hết $10M tiền nhận được đầu tư chỉ trong vòng 4 tháng. Nguyên nhân của việc thất bại không chỉ một nhưng sai lầm lớn nhất của Lido nằm ở việc tập trung mở rộng quy mô khi hoạt động kinh doanh chưa ổn định. (xem thêm https://buildd.co/product/why-lido-shut-down?subscribe=1)
Hay như ở Việt Nam chúng ta cũng chứng kiến những bài học thất bại của The Kafe, WeFit và gần đây nhất là Propzy – một startup về bất động sản từng huy động vốn thành công 25 triệu USD vào giữa năm 2020 đã phải tuyên bố dừng mọi hoạt động từ ngày 12/9/2022 (xem thêm https://viettimes.vn/propzy-va-nhung-startup-viet-goi-von-hang-trieu-usd-nhung-van-that-bai-post160536.html). Cùng một bài học, từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng các startup này của Việt Nam cũng đã mắc sai lầm khi ưu tiên vào việc mở rộng quy mô trong khi nội tai của hoạt động kinh doanh chưa ổn định dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong hoạt động công ty; khi “run out of cash”- they fail. Ở đây chúng ta thấy được tầm quan trọng của thời điểm gọi vốn cũng như các điều khoản khi gọi vốn; đôi khi chính vì các áp lực mở rộng quy mô khi nhận vốn đầu tư có thể dẫn đến các bất ổn trong quản trị, mô hình kinh doanh và hậu quả là sự sụp đổ.
Với những bài học đó có khá nhiều chuyên gia nhận định “GO BIG or GO HOME” là một bí ẩn lớn nhất từ trước tới nay đối với startup (source: buildd)
Sự tăng trưởng (Nguồn: https://www.siliconrepublic.com/start-ups/scale-startup-ireland)
Quan điểm của tôi không hoàn toàn đồng ý với các nhận định đó. Đồng ý rằng, các nỗi ám ảnh về quy mô và các sai lầm trong marketing có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của startup; nhưng theo tôi còn rất nhiều các nguyên nhân nội tại khác như: mô hình kinh doanh, năng lực quản trị, các yếu tố về đạo đức kinh doanh.
Nhắc lại tiêu đề “Go BIG OR GO HOME”, nếu bạn bớt chút thời gian nghe đầy đủ bài hát của American Authors về triết lý sống của 1 chàng trai muốn sống cuộc sống theo cách của mình để rồi “Grow up” chứ không phải là “Scale up”. Một startup mới non trẻ như một đứa bé, điều cần giúp nó trưởng thành là tăng trưởng về mọi mặt: thể chất, tinh thần, năng lực, kiến thức…chứ không phải chỉ tập trung vào việc ăn uống và phát triển về trọng lượng hay kích thước cơ thể – điều có thể dẫn đến nhiều bệnh tật nguy hại tới sức khoẻ và thậm chí là tính mạng. Một startup nếu được cấp vốn cùng với những nhiệt huyết, định hướng tốt trong điều hành của ban lãnh đạo và sự bổ sung, hỗ trợ của các nguồn lực khác về nhân sự, tối ưu quy trình, đối tác thì thứ chúng ta có thể kỳ vọng đó là sự phát triển mang tính đột phá nhưng cũng đồng thời đảm bảo tính bền vững để hướng đến tầm vóc của một unicorn. Sự “tăng trưởng” của các công ty khởi nghiệp trong cân bằng năng lực quản trị, sự ổn định của mô hình kinh doanh, tiềm năng thị trường… có thể giúp các startup phát triển bền vững đặc biệt trong bối cảnh thị trường ngày càng nhiều bất ổn. Đó cũng chính là lý do vì sao trong năm 2022, xu hướng đầu tư giá trị đang một lần nữa lấy lại được sự quan tâm của nhà đầu tư hơn là xu hướng đầu tư tăng trưởng.
Unicorns Việt Nam (Nguồn: cafebiz.vn)
Ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2021 ghi nhận có 4 unicorn (các công ty khởi nghiệp công nghệ được định giá trên 1 tỷ đô la mỹ) là VNG, VNPAY, MOMO và SKY MAVIS. Một điều khá thú vị là cả 4 startup này đều hoạt động (VNPAY, MOMO) hoặc có liên quan rất gần (VNG, SKYMAVIS) đến lĩnh vực FINTECH. Ngay cả ở Hàn quốc chúng ta cũng có thể thấy sự tăng trưởng rất nhanh và trở thành unicorn của TOSS. Tất cả các unicorn này đều có 1 điểm chung là có 1 tập khách hàng vô cùng lớn và tối ưu được việc khai thác khách hàng của mình; và rõ ràng, họ không chỉ “scale up” mà còn “grow up”. Trong đó, có 1 trường hợp khá đặc biệt là SKY MAVIS – 1 unicorn đã phải chịu những thách thức vô cùng lớn từ yếu tố rủi ro thị trường cao từ các hoạt động liên quan đến NFT, CRYPTO; đồng thời theo quan điểm cá nhân của tôi, thì nói theo 1 cách nào đó, SKY MAVIS đã scale quá nhanh trong khi chưa thực sự “lớn kịp” cộng thêm các yếu tố bùng nổ truyền thông dẫn đến những rủi ro trong điều hành cũng như sự kiện bị hack sấp xỉ 600 triệu USD tại thời điểm xẩy ra vụ việc.
Để xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, kết nối nguồn lực cho startup, và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, từ năm 2015 và chính thức từ năm 2016, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest thuộc Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tới năm 2025 (Đề án 844) đã trở thành sự kiện thường niên được tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ. Sự kiện Techfest được tổ chức với định hướng của một hoạt động thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo do chính cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực chung tay thực hiện vì sự phát triển chung của hệ sinh thái (từ việc xác định các vấn đề trong hệ sinh thái của lĩnh vực; thiết kế giải pháp; tìm kiếm đối tác cùng tham gia giải quyết vấn đề; huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công tác tổ chức; tổ chức triển khai (theo kế hoạch hàng năm, không phải chỉ tại thời điểm sự kiện quốc gia), đánh giá, rút kinh nghiệm cho các hoạt động đã triển khai).
Techfest Vietnam 2021 (Source: NSSC)
Trải qua 7 năm tổ chức, TECHFEST đã kết nối các startup với các nhà đầu tư với con số tổng giá trị quan tâm đầu tư là hơn 57 triệu đô-la Mỹ. Quán quân của Techfest qua các năm có thể kể đến như Abivin (2018) (đồng thời vô địch Startup Worldcup 2019); Mutiglass (2019), Gostream (2020), Otrafy (2021). Từ khía cạnh cá nhân, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất giúp các bạn startup đã dành được giải quán quân của Techfest đó chính là ở bản thân năng lực, ý chí của các founder và một định hướng phát triển kinh doanh không bị hạn chế bởi các rào cản về mặt địa lý, các bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho một chặng đường phát triển dài hạn.
Lễ phát động Ngày hội đổi mới sáng tạo xã hội 2021
Từ góc nhìn của mình, tôi cho rằng sự hỗ trợ của các tổ chức chính phủ, các tập đoàn lớn là cấu phần rất quan trọng trong việc việc định hướng cho các startup trong việc phát triển. Với những kinh nghiệm, tầm nhìn và hệ thống mạng lưới đối tác, các tổ chức này có thể giúp các startup đi vững chắc hơn, trách được một phần các rủi ro cũng như tối ưu được nguồn lực sẵn có; điều này chính là yếu tố then chốt trong việc giúp các startup không chỉ scale up mà grow up. Trong việc này tôi đánh giá rất cao vai trò, giá trị mà chương trình Shinhan Square Bridge đang mang đến cho các startup; không chỉ là cho các startup của Hàn quốc mà còn với hệ sinh thái, startup Việt Nam. Việc tìm kiếm các startup Hàn quốc tiềm năng, phù hợp với thị trường Việt Nam, hỗ trợ, kết nối cho các startup này phát triển, mở rộng thị trường tại Việt Nam không chỉ giúp các startup Hàn trong chương trình phát triển vững chắc mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các đối tác, startup Việt Nam. Sự hợp tác, trao đổi kinh doanh trong khối startup này tôi kỳ vọng sẽ hình thành một mạng lưới hỗ trợ cho các startup mạnh mẽ như những gì mà khối FDI Hàn quốc đang có ảnh hưởng tại Việt Nam. Cả startup của Hàn quốc và Việt Nam đều cần nhiều hơn nữa các chương trình như của Shinhan Square Bridge đang triển khai.
Tham khảo:
- buildd (2022). How an ed-tech startup ran out of money & shut down. Trích từ https://buildd.co/product/why-lido-shut-down?subscribe=1
- Linh Lam (2022). Propzy và những startup Việt gọi vốn hàng triệu USD nhưng vẫn thất bại. Trích từ https://viettimes.vn/propzy-va-nhung-startup-viet-goi-von-hang-trieu-usd-nhung-van-that-bai-post160536.html