Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2023 – Làng Sáng tạo Mở xã hội thuộc TechFest Việt Nam 2023, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững ̣(MSD United Way Việt Nam), tổ chức United Way Worldwide và Swinburne Việt Nam đã phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) tổ chức Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn – Xu thế khởi nghiệp và kinh doanh bền vững”. Sự kiện có sự hỗ trợ tài chính của Shinhan Square Bridge Việt Nam và là một sự kiện của Techfest 2023. Sự kiện chia sẻ và thúc đẩy xu hướng khởi nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, tạo tác động xã hội và mang lại các lợi ích kinh tế, kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.
Ngày nay, không thể phủ nhận rằng sự phát triển của khoa học – công nghệ đã mang đến những lợi ích to lớn, giúp cuộc sống của con người tốt hơn, tiện lợi và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời khiến chúng ta phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và thay đổi khí hậu. Trong bối cảnh nền kinh tế yêu cầu sự phục hồi, đồng thời kết hợp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sự quan trọng của “Kinh tế tuần hoàn” được đề cao, đặc biệt với các mô hình khởi nghiệp và kinh doanh bền vững. Khái niệm “Kinh tế tuần hoàn” được đưa ra như một giải pháp nhằm cải thiện và khắc phục những vấn đề nêu trên. Nền kinh tế tuần hoàn được hiểu là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Chính vì vậy, hội thảo “Kinh tế tuần hoàn – Xu thế khởi nghiệp và kinh doanh bền vững” đã được tổ chức nhằm thảo luận và thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan về thử nghiệm, định hướng và giải pháp xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, nhằm tạo ra một hệ thống kinh tế bền vững hơn, cân bằng giữa sự phát triển kinh tế và đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là nơi truyền cảm hứng cho cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm các phương thức sáng tạo để tận dụng tài nguyên và tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia. Thông qua những trao đổi về nền kinh tế tuần hoàn, nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể hướng tới việc khuyến khích phát triển xu thế khởi nghiệp và kinh doanh bền vững được kì vọng.
Hội thảo vinh dự có sự tham dự của ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC); ông Lê Toàn Thắng – Phó Giám đốc NSSC; ông Sun Sukkun – Giám đốc chương trình Shinhan Square Bridge, Quỹ Hy vọng Tập đoàn Tài chính Shinhan; ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT; bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD United Way Việt Nam, Trưởng Làng Sáng tạo Mở Xã hội; bà Hooyung Young – Phó Chủ tịch tổ chức United Way Worldwide khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản, Đồng Trưởng Làng; các chuyên gia về kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, và hơn 70 đại biểu tham dự.

Ông Phạm Hồng Quất phát biểu “Tôi rất cám ơn Làng Sáng tạo Mở Xã hội đã khơi mở một chủ đề vô cùng thiết thực về Kinh tế tuần hoàn, đặc biệt đại biểu tham dự hôm nay không chỉ có các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư, các chuyên gia mà còn có rất nhiều các bạn trẻ. Tôi tin rằng chúng ta đang cùng nhau đóng góp vào quá trình chuyển đổi và chuyển mình của Việt Nam với việc kinh doanh và khởi nghiệp bền vững“.

Ông Sun Sukkun – Giám đốc chương trình Shinhan Square Bridge, Quỹ Hy vọng Tập đoàn Tài chính Shinhan, nhà tài trợ chính của Làng sáng tạo Mở Xã hội cho biết: “Kinh tế tuần hoàn đơn giản là việc kéo dài cuộc sống, đồng thời có thể đem lại cuộc sống thứ 2 cho các nguyên vật liệu vốn sẽ bị coi là rác thải. Đây là một quá trình yêu cầu sự áp dụng các biện pháp thiết kế, sử dụng hợp lý, tái chế, tái sử dụng… nhằm sử dụng nguyên liệu một các thông minh. Shinhan Square Bridge là sự hợp tác, chung tay của các doanh nghiệp start-up để giải quyết các vấn đề xã hội. Dự án rất quan tâm để đầu tư và hỗ trợ các sáng kiến khởi nghiệp tạo nên các giá trị xã hội, trong đó có Kinh tế tuần hoàn. Là một tập đoàn, chúng tôi quan tâm đến các sáng kiến khởi nghiệp xanh và kinh doanh bền vững, điều đó không chỉ mang lại lợi nhuận và danh tiếng cho doanh nghiệp mà còn là định hướng phát triển lâu dài. Đây là xu hướng mà các doanh nghiệp khởi nghiệp nên nắm bắt”.

Với tinh thần hợp tác cùng phát triển, ông Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT đã truyền cảm hứng tới các doanh nghiệp và người tham dự. Ông Tiến chia sẻ các câu chuyện thú vị với thanh niên về các trải nghiệm trong quá trình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, và đặc biệt ông Hoàng Nam Tiến truyền cảm hứng tới các bạn trẻ: “Tôi đặt niềm tin vào các bạn trẻ. Gen Z rất năng động và có quyền đòi hỏi và xứng đáng hưởng một cuộc sống, một trái đất xanh hơn, hiện đại hơn, và mỗi bạn trẻ cũng có cơ hội đã phát huy các tiềm năng của mình trở thành những người khởi nghiệp xanh, tạo nên những sự thay đổi, trở thành những “già làng” trẻ trong lĩnh vực của mình“.

Trưởng Làng Sáng tạo Mở Xã hội giới thiệu về các hoạt động của Làng năm 2023
Đại diện Làng Sáng tạo Mở Xã hội, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD – United Way Việt Nam, Trưởng Làng chia sẻ: “Để thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn, chúng ta phải phá vỡ các hiểu lầm về kinh tế tuần hoàn như hiểu đây là 1 quy trình tái chế, hay 1 trào lưu xa vời tạm thời, thậm chí để “làm màu” chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn làm thương hiệu chứ không phải các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thực tế, Kinh tế tuần hoàn không chỉ là một cách để tái chế, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo giá trị và phát triển thông qua việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Đồng thời, chúng ta cũng nên nhìn thấy Kinh tế tuần hoàn không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp lớn, mà còn là một xu hướng phổ biến và thực tế trong thời đại mới, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Sự Đổi mới sáng tạo Mở và kinh tế tuần hoàn đều hỗ trợ nhau trong việc xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng, giúp giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra giá trị và phát triển bền vững cho xã hội và doanh nghiệp. Làng Sáng tạo Mở Xã hội sẽ kết nối các bên liên quan trong một hệ sinh thái đoàn kết đồng lòng để thúc đẩy các sáng tạo và các giải pháp theo hướng kinh tế tuần hoàn”.

Trong phần ba của hội thảo, tại phiên tọa đàm “Xu hướng và thách thức thúc đẩy khởi nghiệp và kinh doanh theo hướng Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, các diễn giả đã có cơ hội thảo luận về môi trường phát triển của nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, những thuận lợi, thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, rất nhiều bài học quý giá về quản trị và định hướng doanh nghiệp bền vững, tuần hoàn cũng đã được chia sẻ.

Hội thảo khép lại với thông điệp: Sự đoàn kết hợp tác đa phương đa ngành, tinh thần đổi mới sáng tạo mở xã hội theo xu hướng kinh tế tuần hoàn là tiền đề tiên quyết để giải quyết các thách thức vì sự phát triển bền vững. Trong năm 2023, với sự bảo trợ và chỉ đạo của NATEC, NSSC, Làng Sáng tạo Mở Xã hội do MSD United Way Việt Nam, tổ chức United Way Worldwide, Swinburne Việt Nam dẫn dắt hứa hẹn sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy kết nối các bên liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức tham gia sáng tạo mở xã hội, nâng cao năng lực vì một nền kinh tế Việt Nam tuần hoàn và phát triển.